Bệnh xương khớp từ lâu đã được xem là vấn đề sức khỏe phổ biến, nhất là ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn chủ quan, cho rằng đau nhức xương khớp chỉ là một phần tất yếu của tuổi già hoặc do lao động nặng nhọc. Thực tế các bệnh lý xương khớp tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể âm thầm phá hủy nhiều cơ quan trong cơ thể, làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng sống và rút ngắn tuổi thọ người bệnh.
1. Các triệu chứng thường gặp ở người mắc bệnh xương khớp
1.1. Vận động thiếu linh hoạt
Đây là triệu chứng điển hình nhất của người mắc các bệnh về xương khớp. Người bệnh gặp khó khăn trong những động tác đơn giản như đi lại, cúi người, đứng lên ngồi xuống. Các triệu chứng đau nhức, cứng khớp, sưng viêm khớp, biến dạng, teo cơ, dính khớp,...khiến việc di chuyển trở nên khó khăn, thiếu linh hoạt. Tình trạng này kéo dài dễ dẫn đến mất khả năng vận động, thậm chí tàn phế.
1.2. Chức năng của các cơ quan khác suy giảm
Hệ tim mạch
Người xưa thường có câu "Khớp đớp vào tim" cho thấy ảnh hưởng của bệnh xương khớp lên tim không hề nhẹ. Các bệnh mạn tính như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ có thể làm tổn thương lớp nội mạc mạch máu, từ đó thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch.
Người mắc bệnh xương khớp có nguy cơ ngồi máu cơ tim và đột quỵ cao hơn so với người bình thường
Ít vận động do đau nhức khớp cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường,...Đó là "kẻ thù" lớn của hệ tim mạch.

Ảnh: Xương khớp có thể gây ảnh hưởng tới hệ tim mạch
Hệ hô hấp
Bệnh xương khớp cũng có thể ảnh hưởng trầm trọng đến hệ hô hấp như:
- Viêm cột sống dính khớp lâu ngày sẽ làm co cứng lồng ngực, giảm khả năng giãn nở của phổi, gây nên tình trạng khó khăn trong việc thở, dẫn đến giảm trao đổi khí.
- Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và tổn thương tại màng phổi cũng như tại nhu mô phổi, các ảnh hưởng của bệnh lên hệ hô hấp có thể là: tắc nghẽn đường thở, tràn dịch màng phổi, xơ phổi,...
- Ngoài ra, điều trị kéo dài bằng thuốc ức chế miễn dịch làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hô hấp.
Hệ tiêu hóa
Người bệnh xương khớp có thể gặp các vấn đề tiêu hóa do:
- Các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), điển hình như diclofenac, ibuprofen, meloxicam,...thường gây viêm loét, thậm chí xuất huyết dạ dày nếu sử dụng kéo dài hoặc không đúng chỉ định.
- Nhóm thuốc chống thấp DMARDs như methotrexate, sulfasalazine có thể gây tổn thương gan, buồn nôn, tiêu chảy, đặc biệt ở người có chức năng gan yếu.
- Viêm khớp, nhất là các thể tự miễn, cũng liên quan đến 30% những người mắc bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng, làm chậm quá trình tiêu hóa và rối loạn hấp thu, gây suy nhược toàn thân, nhất là ở người lớn tuổi.
- Viêm khớp hệ thống gây đau mạn tính, làm bệnh nhân bị stress và ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, làm chậm quá trình chuyển hóa, trao đổi chất.
Hệ tiết niệu
- Một số loại thuốc điều trị bệnh khớp như DMARDs có thể gây tổn thương thận nếu sử dụng lâu dài.
- Các bệnh như Gout lâu năm làm tăng nguy cơ sỏi thận, suy thận mạn tính.
- Người bệnh do đau nhức xương khớp giảm vận động, giảm lượng nước uống cũng góp phần làm suy giảm chức năng tiết niệu.
Hệ miễn dịch
- Bệnh lý xương khớp tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ,...bản chất là rối loạn hệ miễn dịch. Điều trị kéo dài bằng các thuốc ức chế miễn dịch làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cơ hội như lao phổi, viêm phổi, nhiễm trùng máu.
- Thuốc DMARDs điều trị khớp có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, làm giảm số lượng bạch cầu, khiến cơ thể dễ mắc bệnh và khó hồi phục.
Hệ sinh dục
- Đau mạn tính, mệt mỏi, tâm lý, tự ti khiến người bệnh giảm ham muốn tình dục.
- Một số loại thuốc điều trị (như corticosteroid liều cao) có thể gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
- Biến dạng khớp háng, cột sống còn trực tiếp gây đau đớn cũng hạn chế hoạt tình dục.
Hệ thần kinh
Đau mãn tính do bệnh xương khớp gây nên không chỉ đơn giản là cảm giác khó chịu mà còn gây nên các hệ lụy nghiêm trọng:
- Các dây thần kinh có thể bị chèn ép, đặc biệt trong các bệnh như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, dẫn đến tê bì, yếu liệt chi, thậm chí mất khả năng kiểm soát bàng quang và ruột.
- Đau kéo dài làm thay đổi cách não bộ xử lý tín hiệu đau, hình thành các rối loạn đau mạn tính rất khó điều trị. (chronic pain syndrome).
- Người bệnh có thể mắc các hội chứng như đau thần kinh tọa, đau thần kinh liên sườn, hội chứng cổ vai gáy gây ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt và lao động.
2. Hậu quả khó lường của bệnh xương khớp
2.1. Tổn hại sức khỏe tâm thần
Sống chung với bệnh xương khớp, người bệnh dễ rơi vào trạng thái:
- Căng thẳng, lo âu khi các cơn đau dai dẳng kéo dài không thuyên giảm.
- Trầm cảm, tự ti do mất khả năng lao động, hạn chế giao tiếp xã hội, tăng cảm giác cô đơn và bất lực.
- Mất ngủ vì những cơn đau thường hay xuất hiện về đêm, làm tình trạng bệnh thêm trầm trọng , tạo thành vòng xoáy bệnh lý khó dứt như: đau → mất ngủ → trầm cảm → đau nặng thêm.
Nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ trầm cảm ở người bệnh viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp cao gấp 2-3 lần so với người bình thường.
2.2. Suy giảm chất lượng cuộc sống
Khi xương khớp suy yếu sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến:
- Sự vận động linh hoạt trong các hoạt động giải trí, thể thao, du lịch,...
- Khả năng làm việc giảm sút hoặc mất hẳn, kéo theo giảm năng suất và thu nhập
- Mối quan hệ gia đình, xã hội cũng trở nên căng thẳng vì gánh nặng chăm sóc, tăng chi phí y tế và mất kết nối cảm xúc.
- Người bệnh cảm thấy mất tự do, sống phụ thuộc, dẫn đến mất đi niềm vui và sự lạc quan trong cuộc sống.

Ảnh: Bệnh xương khớp ảnh hưởng tới sự vận động linh hoạt trong hoạt động thể thao
2.3. Nguy cơ tử vong sớm
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh: bệnh nhân mắc bệnh xương khớp mãn tính có nguy cơ tử vong sớm cao hơn do:
- Các biến chứng tim mạch, nhiễm trùng (nhất là ở bệnh nhân phải dùng thuốc ức chế miễn dịch lâu dài trong các bệnh xương khớp tự miễn).
- Bệnh lý toàn thân kèm theo như tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì.
- Giảm khả năng vận động làm tăng nguy cơ té ngã, gãy xương, đặc biệt nguy hiểm ở người cao tuổi.
- Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có nguy cơ tử vong sớm tăng 1,5 - 2 lần so với dân số chung.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các bệnh lý xương khớp có thể âm thầm hủy hoại sức khỏe toàn diện của cơ thể.
3. Giải pháp điều trị và chăm sóc xương khớp
3.1. Điều trị y khoa
Khi bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh xương khớp, việc chủ động điều trị theo phác đồ của bác sĩ là vô cùng quan trọng để bảo tồn chức năng xương khớp và ngăn chặn tổn thương lan rộng.
Các phương pháp thường được áp dụng bao gồm:
Chẩn đoán chuyên sâu: Để xác định chính xác tình trạng bệnh và mức độ tổn thương, bác sĩ có thể chỉ định các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, MRI, cùng với các xét nghiệm viêm khớp cần thiết. Việc phát hiện sớm là chìa khóa để can thiệp kịp thời.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp thêm các phương pháp khác để bảo tồn xương khớp như:
Vật lý trị liệu: Các bài tập và kỹ thuật như kéo giãn cột sống giúp giảm áp lực lên khớp, tăng cường sức mạnh cơ bắp hỗ trợ và cải thiện khả năng vận động.
Sử dụng thuốc kháng viêm: Thuốc kháng viêm (NSAIDs) có vai trò quan trọng trong việc giảm đau và chống viêm hiệu quả. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn và tránh tác dụng phụ.
Phẫu thuật: Phẫu thuật thường chỉ được cân nhắc khi tình trạng khớp đã hủy hoại nặng, gây mất khả năng vận động nghiêm trọng và các phương pháp điều trị bảo tồn không còn hiệu quả. Phẫu thuật cần cân nhắc kỹ vì chi phí cao, tiềm ẩn rủi ro và cần thời gian hồi phục lâu dài.
3.2. Điều chỉnh sinh hoạt
Duy trì thói quen sống lành mạnh và chủ động chăm sóc xương khớp mỗi ngày là phương pháp căn bản và bền vững nhất để bảo vệ và giúp hệ xương khớp khỏe mạnh.
- Vận động nhẹ nhàng vừa sức 30 phút mỗi ngày như: đi bộ, yoga, bơi,...
- Luôn ngồi đúng tư thế, tránh khom lưng và hạn chế tối đa việc đứng hoặc ngồi quá lâu ở một vị trí.
- Bổ sung dinh dưỡng hợp lý: tăng cường thực phẩm giàu canxi, vitamin D, Omega-3 như sữa, cá, trứng, rau xanh,...
- Sử dụng các sản phẩm hỗ trợ điều trị có nguồn gốc thiên nhiên an toàn, lành tính như: Collagen type II, Glucosamine, Chondroitin, MSM, sụn vi cá mập, cao khô rễ cây móng quỷ, bột vẹm xanh, cao vỏ cây liễu trắng, cao rễ Độc hoạt, các chế phẩm từ tảo biển đỏ,...giúp cải thiện khả năng vận động linh hoạt của khớp.

Ảnh: Vẹm xanh - một trong số thực phẩm tốt cho xương khớp
Việc chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị đúng cách là chìa khóa để bảo vệ hệ xương khớp và sức khỏe toàn diện. Hãy chia sẻ với bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bất thường để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Yêu thương và chăm sóc hệ xương khớp là một hành động thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng để có một cuộc sống khỏe mạnh, trọn vẹn và dài lâu. Hãy quan tâm đến xương khớp của bạn từ hôm nay!
*Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị y khoa.
Dr. Bùi Thanh - BS.CKII
Viết bình luận